MÙA THU – VÙNG THAN VÀ NGHỆ SĨ
ký của Vũ Thảo Ngọc
Một món quà vô giá của Bác Hồ- Vị cha già kính yêu, vị lãnh tụ thiên tài của nhân dân Việt Nam vô cùng vĩ đại - đối với người thợ mỏ nói riêng và đối với Quảng Ninh nói chung, đó là tình cảm của Người luôn luôn dành cho người thợ mỏ. Ở Quảng Ninh, nơi có hòn đảo tiền tiêu Cô Tô được Người đồng ý cho tạc tượng khi Người còn sống - một điều duy nhất, đặc biệt nhất của Bác với ý nghĩa thiêng liêng về dân tộc, về đất nước được gửi ở nơi này.
Và, tình cảm đặc biệt cho người thợ mỏ, cho vùng mỏ Quảng Ninh, đó là Người đã trở đi trở lại nhiều lần vùng than và lần nào Người cũng dành tình cảm đặc biệt thân thiết nhất đối với công nhân mỏ. Tháng 3/1959 Người đã về và lên tầng mỏ Đèo Nai để động viên kịp thời thợ mỏ làm than. Ngày Mồng 1 Tết Nguyên đán Ất Tỵ (1965) người trở lại vùng mỏ Hòn Gai với niềm hân hoan của hàng vạn thợ mỏ trong vùng tại sân vận động Hòn Gai. Sự kiện đặc biệt này đã gây xúc động cho nhân dân vùng mỏ một niềm hạnh phúc lớn lao giữa ngày Tết sum họp của mọi nhà, Người vẫn về với đồng bào mang theo hơi ấm tình cha con bao la, thân thiết! Rồi đến năm 1968, khi biết sức khỏe giảm sút, không thể về thăm đồng bào vùng mỏ được, Người đã cho mời đoàn đại biểu công nhân và cán bộ ưu tú về Phủ Chủ tịch để Người được nhìn thấy, được lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của họ và những lời chỉ dạy ân cần của Người : “Tổ quốc cần than như con thơ cần sữa mẹ, Thợ mỏ làm than như quân đội đánh giặc; Xây dựng ngành than trở thành ngành kinh tế gương mẫu cho các ngành kinh tế khác”. Sau lần gặp gỡ công nhân cán bộ ngành than ấy, đến nay cũng đã tròn bốn mươi lăm năm, sau đó một năm Người đã ra đi và đã để lại muôn vàn niềm thương tiếc của nhân dân Việt Nam về vị Cha già dân tộc vạn triệu lần đáng kính ấy!
Bên cạnh tình cảm thiêng liêng, sự quan tâm đặc biệt của Bác Hồ đối với người thợ mỏ và vùng than Quảng Ninh, thì một điều dễ nhận ra, dù công dân Quảng Ninh, bất kể đi tới đâu, dù ở đất Mũi Cà Mau hay địa đầu Móng Cái...hễ nói tới dân Quảng Ninh là người ta nhắc ngay tới câu hát nổi tiếng của nhạc sĩ Hoàng Vân: Tôi là người người thợ lò, sinh ra trên đất mỏ...Và cứ thế, lời ca đã lan tỏa và hội tụ giữa những người là công dân Quảng Ninh và bạn bè bốn phương vừa gặp gỡ. Tự hào lắm thay, một miền văn hóa thợ mỏ được chứng thực không chỉ ở trong địa bàn tỉnh nhà mà còn được chứng thực ở mọi miền đất nước. Những nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ không sinh ra từ mảnh đất này nhưng được trưởng thành từ mảnh đất than bụi này đi tới đâu cũng được gọi với cái tên gọi thân thương nhường nào: nhà văn vùng mỏ, nhà báo vùng mỏ; nghệ sĩ vùng mỏ... Hiếm có vùng đất nào các danh xưng lại được tôn vinh gắn liền với những giá trị văn hóa phi vật như thế.
Dấu ấn : “ăn cơm với cá mòi he/lấy chồng Cẩm Phả đun xe suốt ngày” hoặc : “ruồi vàng, bọ chó, gió Vàng Danh...” – những câu ca mô tả sự khốn cùng vất vả của người thợ mỏ xưa trong Ca dao vùng mỏ trước Cách mạng tháng 8-1945 đã lùi xa vào quá khứ đau thương xưa cũ. Bây giờ nếu có dịp về các mỏ than, bạn sẽ được mời một bữa cơm tự chọn đúng nghĩa ở nhà ăn của mỏ. Những món ăn đủ dưỡng chất, đủ hợp khẩu vị cho hàng ngàn thực khách lựa chọn, tôi có dịp nhiều lần đưa các đoàn công tác về các mỏ, thì ở đâu cũng được các vị khách biểu quyết cho ăn cơm...tự chọn! Đó cũng là một sự phát triển vượt bậc trong sự nghiệp chăm lo đời sống người thợ mỏ cả tinh thần và vật chất, sự chú trọng này chính là cách riêng mà ngành than có được trong tiến trình đổi mới, xây dựng và phát triển. Phát triển được nhìn từ góc độ đời sống xã hội chính là sự phát triển được cộng đồng thừa nhận mà không phải các bản báo cáo thành tích tô vẽ nên được. Bây giờ, trên các con đường về qua các mỏ than, chắc chắn bạn sẽ không còn gặp cảnh những chàng thợ lò đen nhẻm đi bộ, đạp xe sau giờ tan ca nữa. Bởi lẽ, các mỏ than hầm lò đã có hệ thống nhà tắm cho thợ, nhà giặt sấy quần áo, những ca thợ sau giờ làm việc đã được chăm sóc chu đáo và khi ra khỏi mỏ, cánh thợ có thể... đi đám cưới, đi dự họp được luôn với những bộ cánh tinh tươm! Là ‘thương hiệu bánh mì mỏ “ của Mạo Khê, Hà Lầm, Mông Dương hay Hà Tu...những xuất ăn giữa ca bình dị do chính người thợ mỏ làm ra chăm sóc người thợ mỏ của mình lại trở thành món ăn khoái khẩu của đông đảo nhân dân trong địa bàn, đã và đang làm nên một nét văn hóa thợ mỏ nữa ở thế kỷ hai mươi mốt này.
Có một vùng than trong lòng bè bạn quốc tế với những sự giúp đỡ vô giá của các chuyên gia Liên Xô, Trung Quốc ở các công trường, trong các thời kỳ khác nhau. Những sự kiện đặc biệt chú ý như sự giúp đỡ của các chuyên gia Liên Xô với việc xây dựng –chuyển giao công nghệ khai thác ở mỏ Mông Dương - nơi khai thác lò giếng duy nhất ở Việt Nam, ở mỏ than Cọc Sáu, nơi khai thác lộ thiên xuống sâu nhất Việt Nam; thiết kế xây dựng mỏ Cao Sơn và hiện nay những chuyên gia Nga vẫn đang góp phần hỗ trợ giúp đỡ về mặt kỹ thuật ở mỏ Núi Béo...Những tình cảm bền chặt được kết nối từ thế kỷ hai mươi được tiếp tục duy trì phát triển, những nhà máy nhiệt điện mọc lên bên cạnh những mỏ than của ngành than như đang tiếp nối sức mạnh trí tuệ sáng tạo của những người thợ mỏ được kế tục truyền thống của bao thế hệ thợ mỏ đi trước. Đó là tài sản vô giá không thể tính đếm ra con số cụ thể. Và, nó hiển hiện ở các địa danh hành chính khi vùng đất đó mang tên mỏ than nào đó, Mỏ Vàng Danh có Phường Vàng Danh (Thành phố Uông Bí), mỏ Hà Tu có Phường Hà Tu (thành phố Hạ Long; mỏ Mông Dương có Phường Mông Dương (Thành phố Cẩm Phả) ....
Dấu mốc-cột mốc văn hóa thợ mỏ được neo lại giữa vùng than biển Quảng Ninh bằng chính những giá trị văn hóa họ đã tạo nên và dựng xây, và bồi đắp trên mảnh đất này. Chính vì thế, không bao giờ có khái niệm rành rẽ ở người Quảng Ninh đâu là than, đâu là biển, bởi lẽ những yếu tố văn hóa đó như đã nói ở trên, nó hội tụ và lan tỏa sang nhau, để cùng góp phần làm nên một ngọn lửa truyền thống mang tên Quảng Ninh đích thực với tinh thần của những người thợ mỏ năm ba sáu Kỷ luật và đồng tâm, chúng ta nhất định thắng!
Không thể không nhắc tới ở dịp kỷ niệm ý nghĩa này về một đội ngũ thợ mỏ làm văn hóa từ phong trào đến đỉnh cao, từ đơn lẻ đến đội ngũ hùng hậu. Những tác phẩm văn học nghệ thuật của các nghệ sĩ trung ương về thực tế sáng tác sau ngày giải phóng vùng mỏ năm nào đã ghi dấu ấn đậm nét thợ mỏ Quảng Ninh như Tôi là người thợ lò (nhạc sĩ Hoàng Vân), Những ngôi sao ca đêm (Phạm Tuyên) Khi chúng tôi vào lò (Trần Chung), những ca khúc đã neo giữ tâm hồn những cư dân Quảng Ninh cũng như những bạn bè đã đến, đi và ở lại cống hiến cho Quảng Ninh. Và chính trong lòng vùng văn hóa than biển đã làm nên những lớp nhà văn, họa sĩ, nhà báo có tên tuổi trong làng nghệ thuật Việt Nam. Phải kể đến đầu tiên với “viên gạch văn học công nhân” từ tiểu thuyết mang tên VÙNG MỎ của cố nhà văn Võ Huy Tâm, rồi đến các họa sĩ Ngô Phương Cúc, Bùi Đình Lan, Nguyễn Hoàng...họ đã trưởng thành từ cái nôi công nhân mỏ ấy, đã vinh danh cho mảnh đất đẹp giàu của mình bằng chính những tác phẩm văn học nghệ thuật. Một thế hệ nhà thơ, nhà văn, họa sĩ kế tiếp đã khẳng định hơn nữa cho vùng đất đặc biệt này, trong đó có các nhà văn được tặng Giải thưởng Văn học nghệ thuật cấp Nhà nước là cố nhà văn Võ Huy Tâm, sau ông là hai nhà văn, nhà thơ Trần Nhuận Minh và Lý Biên Cương. Điều vinh dự là tại thành phố Cẩm Phả, đã có con phố mang tên nhà văn Võ Huy Tâm, càng làm cho chúng ta tự hào hơn về những người thợ mỏ đã và đang hiện diện ở mảnh đất Quảng Ninh mến yêu này. Ai cũng tự hào về danh xưng có gắn liền với hai chữ THỢ MỎ!
Tự hào hơn, sau lớp nhà văn, họa sĩ trước lại có thêm nhiều nhiều nữa những hoạt động sôi nổi trong phong trào sáng tạo văn học nghệ thuật của Quảng Ninh từ những người thợ mỏ, họ là chiến sĩ làm than, họ còn làm chiến sĩ văn hóa. Những thế hệ tiếp nối nhau, như không ngơi nghỉ như sự chuyển lửa, sự kế thừa trọn vẹn, nhiều họa sĩ, nhà thơ, nhà văn là hội viên các hội trung ương được thừa nhận, với những cống hiến xứng đáng cho vùng mỏ đẹp giàu này. Đó là các nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ, nghệ sĩ: NSND - ca sĩ Quang Thọ; họa sĩ Nguyễn Tâm Nhâm (nhà điêu khắc than), nhạc sĩ Lê Chí Phúc, Lê Nguyên Thêm; nhà văn Võ Khắc Nghiêm, Tô Ngọc Hiến, Sỹ Hồng, Trần Ngọc Tảo, Trần Tâm; Vũ Thảo Ngọc; NSNA Phạm Mạnh Hùng và nhiều các nghệ sĩ vùng mỏ, hội viên các hội văn học nghệ thuật của địa phương đã và đang có nhiều cống hiến cho phong trào văn học nghệ thuật vùng mỏ.
Dấu mốc chặng đường nửa thế kỷ xây dựng và phát triển của vùng văn hóa than biển Quảng Ninh, là một chặng đượng nhiều vinh quang và thành tựu to lớn trong đó có một ngành kinh tế mũi nhọn là ngành Than đang đứng chân trên địa bàn đã có những đóng góp đáng kể cho tỉnh nhà. Những thành tựu, những nét văn hóa vật thể hay phi vật thể là một minh chứng sống cho sự đóng góp đó. Người viết bài chỉ mạn phép bài viết như một nét chấm phá nhỏ trong bức tranh lớn tổng thể vùng văn hóa than biển Quảng Ninh rộng lớn ở góc nhìn từ người thợ mỏ đã có những tác động và ảnh hưởng trực tiếp, góp phần cơ bản làm nên nền văn hóa vùng than biển Quảng Ninh từ hơn nửa thế kỷ qua và đồng hành cùng nhân dân các dân tộc Quảng Ninh. Xây dựng tỉnh Quảng Ninh thành một tỉnh giàu đẹp trong trục kinh tế trọng điểm Bắc Bộ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước/.
Thu Quý Tỵ -2013
Nhà văn Vũ Thảo Ngọc
Ảnh của Nguyễn Quang Tình
Tin khác
- VVMI: Đẩy mạnh công tác tiết giảm chi phí sản xuất
- Nhớ về mùa thu lịch sử, đi lên từ hòn than Quán Triều đến Công ty than Khánh Hoà
- CÔNG TY THAN KHÁNH HÒA TẬP TRUNG MỌI CỐ GẮNG KẾT HỢP VỚI CÔNG ĐOÀN ĐỘNG VIÊN NGƯỜI LAO ĐỘNG LÀM TỐT CÔNG TÁC AN TOÀN VỆ SINH LAO ĐỘNG TRO
- BÊ TÔNG PHUN – VẬT LIỆU CHỐNG GIỮ ĐƯỜNG LÒ THẾ KỶ 21
- CÔNG TY THAN KHÁNH HÒA – VVMI TÍCH CỰC BƠM THOÁT NƯỚC ĐỂ KHÔI PHỤC SẢN XUẤT
- TỔNG CÔNG TY CÔNG NGHIỆP MỎ VIỆT BẮC – VINACOMIN KHAI GIẢNG LỚP HỌC QUẢN TRỊ KINH DOANH CAO CẤP
- TỔNG CÔNG TY CÔNG NGHIỆP MỎ VIỆT BẮC Thách thức và những giải pháp vượt khó
- KHỐI CƠ QUAN TỔNG CÔNG TY THAM GIA TẬP HUẤN, BỒI DƯỠNG NGHIỆP VỤ CÔNG TÁC PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY NĂM 2013
- SỬ DỤNG THỬ NGHIỆM KHÍ MÊTAN TẠI CÁC MỎ THAN THUỘC CÔNG TY WEGLOWA S.A (BA LAN)
- CÔNG TY THAN NA DƯƠNG TỔ CHỨC TOẠ ĐÀM (Kỷ niệm 83 năm ngày thành lập Hội LHPNVN 20/10/1030 – 20/10/2013)
- TỔNG CÔNG TY CÔNG NGHIỆP MỎ VIỆT BẮC - VỚI NHỮNG GIẢI PHÁP LIÊN QUAN ĐẾN CÔNG TÁC AN TOÀN- VỆ SINH LAO ĐỘNG.