Nhớ về mùa thu lịch sử, đi lên từ hòn than Quán Triều đến Công ty than Khánh Hoà
Ghi chép của Vũ Thảo Ngọc
Ai đã từng qua tuổi học trò cũng thuộc làu câu thơ của Tố Hữu trong bài Việt Bắc nổi tiếng của ông, khi nói về vùng chiến khu Việt Bắc thân yêu: “Than Phấn Mễ, Thiếc Cao Bằng/ Phố phường như nấm như măng giữa rừng”… nghe xa ngái thế nào, tưởng tượng ra một mỏ than mãi tít xa vùng Tây Bắc điệp trùng núi rừng nào đó, hoá ra…
Giờ đi tìm hiểu về mỏ than Khánh Hoà, hoá ra lại liên quan đến câu thơ kia, tôi khá ngạc nhiên khi đi tìm hiểu về mỏ than Quán Triều nay là than Khánh Hoà, một sự liên tưởng kép, có điều gì đó các mỏ na ná như nhau, chỉ khác vùng mỏ Quảng Ninh bị nằm trong vùng “300 ngày”, khi quân Pháp rút đi thì các mỏ mới chính thức được Nhà nước quản lý, điều hành từ năm 1955. Còn Quán Triều lại ra đời khi chỉ cách ngày thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời mới bốn mùa thu! Chính quyền non trẻ còn đang phải đối mặt với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp sau sự kiện Ngày 19 tháng 12, mùa đông năm 1946 nhiều thách thức. Việt Bắc trở thành tổng hành dinh của chính quyền mới, nên nhiệm vụ khai thác than của các mỏ tại vùng Việt Bắc này có ý nghĩa chính trị xã hội quan trọng. Hai chữ Quán Triều đã nhắc nhở mỗi chúng ta về chặng đường lịch sử vô vùng đặc biệt đó mà không mỏ than nào trong đại gia đình TKV hôm nay có được. Đó cũng chính là niềm tự hào của lớp lớp thợ mỏ than hôm qua, hôm nay và mãi mãi...
Chặng đường vẻ vang đó thật hào hùng và thật kiêu hãnh, hơn sáu mươi mùa thu qua mà như còn đó nguyên những bước chân người thợ mỏ Quán Triều được ngẩng cao đầu vì được là con dân của một nước Việt Nam độc lập. Được thoát khỏi ách xiềng gông đời culi mỏ nhọc nhằn, bị áp bức của bọn chủ mỏ người ngoại quốc, chính thức được làm chủ một tài sản to lớn của quốc gia mà vẫn ngỡ như trong một giấc mơ hão huyền tăm tối ngày hôm qua khi cuộc xâm lăng của đế quốc ngót một thế kỷ tại dải đất rừng vàng này.
Mỏ than Quán Triều chính là một trong ba mỏ Quán Triều, Làng Cẩm, Phấn Mễ đã được thực dân Pháp đến khai thác than từ đầu thế kỷ hai mươi. Sau bốn năm giành độc lập, chính quyền mới mang quốc hiệu Việt Nam dân chủ cộng hoà mà cụ thể là Nha khai khoáng và công nghệ quyết định thành lập Mỏ Lam Sơn, bao gồm Quán Triều và Làng Cẩm vào ngày 24.9.1949. Quán Triều được coi là mỏ than đầu tiên của nước Việt Nam mới vừa phục vụ than cho quân đội sản xuất khí giới vừa cung cấp than cho nhà máy điện Yên Phụ ở Hà Nội những ngày đầu bộ đội về giải phóng Thủ đô tháng mười năm 1954. Cũng giống như các mỏ than vùng Quảng Ninh, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, công nhân mỏ Quán Triều vừa chắc tay búa, vững tay súng để hoàn thành nhiệm vụ chính trị của mình. Ở vùng than Hòn Gai, Cẩm Phả, Uông Bí đã có các trung đội tự vệ mỏ, tự vệ Cửa Ông bắn máy bay rơi, tự vệ Hòn Gai bắn máy bay rơi, tự vệ mỏ Quán Triều đã góp phần vào chiến công chung của “sư đoàn than” hùng mạnh là bắn rơi chiếc máy bay thứ 1000 trên bầu trời Bắc Thái. Những tự vệ mỏ xuất sắc trong đội tự vệ mỏ góp phần bắn máy bay rơi từ năm 1966 thì năm 1967 Hòn Gai có Đại đội trưởng tự vệ Đặng Bá Hát lập công oanh liệt để khẩu pháo 37 ly cùng anh chị em tự vệ Hòn Gai đã ghi thêm một trang vàng cho lịch sử đấu tranh bảo vệ nền độc lập dân tộc ta trong cuộc chiến đấu đẩy lùi cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ nhằm đưa miền Bắc xã hội chủ nghĩa về thời kỳ đồ đá cuối thập niên 60 của thế kỷ hai mươi nhiều biến động….
Năm 1967, sau ngót hai mươi năm thành lập, tỉnh Thái Nguyên kết nghĩa với tỉnh Khánh Hoà nên mỏ than Quán Triều vinh dự được đổi tên là mỏ than Khánh Hoà, thể hiện tinh thần “ Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, tình đoàn kết , sức chiến đấu được nhân lên gấp bội giữa nhân dân hai miền Nam Bắc. Tôi chợt liên tưởng khi đó ở vùng than Quảng Ninh nhiều công trường phân xưởng cũng mang tên những trận đánh thắng giòn giã của quân dân miền Nam như công trường Thắng Lợi, Bình Giã, Đắc Tô, Tân Cảnh…Những chiến công của quân dân miền Nam là niềm tự hào của quân dân miền Bắc nói chung và của ngành than Việt Nam nói chung. Tinh thần Vì miền Nam ruột thịt, Tổ quốc cần than như con thơ cần sữa mẹ có lẽ khởi nguồn từ vùng than Việt Bắc này chăng ? Và để trả lời câu hỏi đó, chúng ta hãy xem bảng vàng danh dự của mỏ được Đảng và Nhà nước tặng Huân chương Lao động từ năm 1980, 1995 và 2004, danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang năm 2005 và Huân chương Độc lập Hạng Ba năm 2009, được Tổng Công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc -TKV tặng Cờ đơn vị sản xuất than khá nhất khối sản xuất than. Đời sống cán bộ công nhân không ngừng được cải thiện và nâng dần từng bước. Đội ngũ công nhân, cán bộ được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, vừa hồng vừa chuyên, làm chủ sáng tạo công nghệ khai thác mới. Nhất là từ Tập đoàn TKV với phương châm : phát triển đa ngành trên nền sản xuất than, Khánh Hoà cũng đã chuyển mình theo chiều hướng mới. Từ đầu tư mua sắm thiết bị đến đào tạo cán bộ công nhân, nhằm đáp ứng nhiệm vụ, vừa sản xuất, chế biến than, vừa sản xuất các sản phẩm vật liệu xây dựng. Nhất là chuyển đổi kết hợp từ công nghệ khai thác lộ thiên chuyển dần sang khai thác hầm lò là cả một chặng tiếp nhận công nghệ mà không thể nói là dễ dàng. Nếu không có tinh thần lao động, học hỏi sáng tạo cao thì làm sao Khánh Hoà vững bước trong chặng đường của tuổi sáu mươi nhưng còn tràn đầy hứa hẹn của một mỏ than có nhiều tích luỹ kinh nghiệm thực tiễn và lý luận để góp phần cho mỏ…tiếp tục phát triển với mục tiêu một triệu tấn /năm sản lượng kế hoạch vào những năm cuối thuộc thập kỷ thứ hai của thế kỷ hai mươi mốt. Hy vọng bước đi khai thác hầm lò trước mắt, việc đổ thải sẽ được cải thiện, môi trường sẽ tốt hơn, người nông dân sẽ không phải mất đi những mảnh đất canh tác mà tổ tiên đã để lại từ bao đời trước. Than của mỏ góp phần nuôi sống người thợ mỏ và góp phần nuôi sống nhà máy Nhiệt điện Cao Ngạn với giá thành than rẻ hơn việc vận chuyển từ Quảng Ninh lên.
Ảnh: Buổi sớm trên Công trường khai thác - mỏ Khánh Hòa . ảnh Ngọc Minh
Những ngày mùa thu này đi trên mảnh đất Thái Nguyên thuộc vùng chiến khu cách mạng năm xưa, chúng tôi những thế hệ hậu sinh cứ cảm thấy bồi hồi với niềm vui và những nghĩ suy trăn trở. Hòa với niềm tự hào về truyền thống của các bậc cha, anh đã hy sinh chiến đấu để tạo dựng lên một mỏ than có truyền thống anh hùng và đổi mới, song với tình hình kinh tế suy thoái như hiện nay đã tác động đến sản xuất và kinh doanh với biết bao khó khăn, thử thách. Những người thợ mỏ lại phải gồng mình lên để làm việc, cố gắng tìm mọi cách vượt qua những khó khăn, tìm kiếm đủ việc làm và chăm lo tốt cho đời sống người lao động. Với tinh thần yêu nước và truyền thống đoàn kết đổi mới, hy vọng mỗi ngày Khánh Hoà sẽ còn đi xa hơn nữa, cứ mỗi một mùa thu đến mỏ than Khánh Hoà sẽ ghi thêm một mốc son chói ngời không chỉ của riêng với mỏ mà xứng đáng là người anh cả trong gia đình thợ mỏ TKV ở nhiều ý nghĩa chính trị, xã hội khác nhau.
Ghi chép ở Thái Nguyên
mùa thu năm 2013
Nhà văn Vũ Thảo Ngọc
Ảnh của Ngọc Minh
Tin khác
- VVMI: Đẩy mạnh công tác tiết giảm chi phí sản xuất
- CÔNG TY THAN KHÁNH HÒA TẬP TRUNG MỌI CỐ GẮNG KẾT HỢP VỚI CÔNG ĐOÀN ĐỘNG VIÊN NGƯỜI LAO ĐỘNG LÀM TỐT CÔNG TÁC AN TOÀN VỆ SINH LAO ĐỘNG TRO
- MÙA THU – VÙNG THAN VÀ NGHỆ SĨ
- BÊ TÔNG PHUN – VẬT LIỆU CHỐNG GIỮ ĐƯỜNG LÒ THẾ KỶ 21
- CÔNG TY THAN KHÁNH HÒA – VVMI TÍCH CỰC BƠM THOÁT NƯỚC ĐỂ KHÔI PHỤC SẢN XUẤT
- TỔNG CÔNG TY CÔNG NGHIỆP MỎ VIỆT BẮC – VINACOMIN KHAI GIẢNG LỚP HỌC QUẢN TRỊ KINH DOANH CAO CẤP
- TỔNG CÔNG TY CÔNG NGHIỆP MỎ VIỆT BẮC Thách thức và những giải pháp vượt khó
- KHỐI CƠ QUAN TỔNG CÔNG TY THAM GIA TẬP HUẤN, BỒI DƯỠNG NGHIỆP VỤ CÔNG TÁC PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY NĂM 2013
- SỬ DỤNG THỬ NGHIỆM KHÍ MÊTAN TẠI CÁC MỎ THAN THUỘC CÔNG TY WEGLOWA S.A (BA LAN)
- CÔNG TY THAN NA DƯƠNG TỔ CHỨC TOẠ ĐÀM (Kỷ niệm 83 năm ngày thành lập Hội LHPNVN 20/10/1030 – 20/10/2013)
- TỔNG CÔNG TY CÔNG NGHIỆP MỎ VIỆT BẮC - VỚI NHỮNG GIẢI PHÁP LIÊN QUAN ĐẾN CÔNG TÁC AN TOÀN- VỆ SINH LAO ĐỘNG.